Có một số bạn từng tâm sự với tôi rằng “Thích học vẽ lắm nhưng không có năng khiếu“. Chắc rằng đây cũng là tâm sự của nhiều người. Riêng tôi thì tôi vẫn cố gắng khuyên mọi người, xin đừng ngại học vẽ, bởi năng khiếu chỉ là một yếu tố rất rất rất nhỏ trong cái chuyện học vẽ ấy mà thôi.

Trẻ con hầu như đứa nào cũng thích vẽ, và hầu như đứa nào vẽ cũng nguệch ngoạc như nhau. Nhưng lớn lên rồi, mỗi đứa bận một chuyện, với những sở thích mới. Cái đứa cứ tiếp tục nguệch ngoạc nhiều năm sau đó, nét vẽ sẽ lớn lên theo; còn cái đứa mà dừng vẽ khi 5 tuổi, đến khi 20 tuổi vẽ lại thì nét vẽ vẫn chỉ như đứa trẻ con, bởi đó là điểm mà họ đã dừng lại. Khi ta lớn lên, ta bị tính toán và hoài nghi, ta không còn tự nhiên và lạc quan như một đứa trẻ con được nữa; sợ rằng mình “không có năng khiếu”, nhiều người đã chọn cách đầu hàng.

Thật ra các bạn ạ, điều các bạn cần là một sự quyết tâm và một thời gian tập luyện.

emo-sad

Tôi nói vậy bởi tôi chính là một thằng đã mải miết vẽ nguệch ngoạc từ năm 3 tuổi đến năm 20 tuổi. Tôi đã từng nghịch nát những quyển tập vẽ, từng vẽ nhại lại những bộ truyện tranh đến kín cả chồng giấy, từng vẽ hàng trăm bức tranh mà đến giờ chỉ dám khoe ra có vài cái vì đến lúc nhìn lại cũng thấy.. xấu thật. Tôi đã từng là một thằng nhóc 10 tuổi tham gia một cuộc thi vẽ thiếu nhi, sau đó nhìn bức tranh đạt giải ba và xấu hổ thấy mình đếch có tý “năng khiếu” nào. Tôi chỉ là một thằng đam mê vẽ vời mà thôi.

Đứng ở vị trí của tôi nhìn lên, có rất nhiều người tài mà tôi biết không thể nào bằng được.  Có những người tài mà phong cách của họ rất đặc biệt, hoặc cảm thụ về hình ảnh và mỹ thuật của họ cực kì tốt, hoặc khả năng sáng tạo ra những thứ chẳng ai nghĩ tới. Còn có những người thiên tài mà cầm cọ vẽ đẹp hơn ảnh chụp hoặc 10 tuổi vẽ bức tranh triệu đô thì cũng đến phát khóc mất. Tiêu cực thì là vậy. Còn tích cực thì là, chỉ cần bạn chăm chỉ tập vẽ, bạn có thể vẽ bằng hoặc đẹp hơn tôi.

Đễ dễ hình dung, hãy tưởng tượng ra một đề thi với ba-rem điểm tiêu chuẩn:

  • Câu 1 (3 điểm): yêu cầu trình độ phổ cập, hầu như ai cũng biết.
  • Câu 2 (5 điểm): yêu cầu chăm chỉ làm bài tập trong SGK phổ thông.
  • Câu 3 (2 điểm): yêu cầu có khả năng tư duy cao và đề xuất ý kiến riêng.
  • Câu 4 (1 điểm vượt khung): yêu cầu trình độ hơn người cỡ IQ 200.

Giờ áp dụng nó vào việc học vẽ xem sao. Lấy mốc cao nhất là thiên tài hoàn mỹ độc cô cầu bại làm trọn vẹn 4 câu được 11/10 điểm (Chẹp). Giả dụ bạn chỉ vẽ ở hồi 3-4 tuổi, trình độ vẽ được bông hoa và ông mặt trời, làm được hết hoặc gần hết Câu 1: điểm là 2/10 hoặc 3/10. Giả dụ tôi làm hết được Câu 1 và làm gần hết Câu 2 nhờ 15 năm tập vẽ: điểm là 7/10. Một anh chàng họa sĩ tiếng nổi như cồn nào đó có phong cách rất đặc biệt làm được hết đến Câu 3: được 9/10 hoặc 10/10.

Vậy rút ra điều gì? Rút ra là bạn đừng sợ bởi bạn “không có năng khiếu”. Nếu chăm chỉ thì bạn hoàn toàn có thể được điểm 7 điểm 8 (Trừ phi bạn chỉ muốn được 10). Nếu yêu thích việc vẽ, hãy theo đuổi nó. Bây giờ bạn vẽ ông mặt trời méo mó, tập luyện một vài năm, ông mặt trời của bạn sẽ to đẹp rực rỡ; bây giờ bạn vẽ con mèo người ta nhìn ra con chó, tập luyện một vài năm, bạn có thể tặng cho người ta cả mười hai con giáp. Tất nhiên còn tùy mục tiêu của mỗi người, nhưng tôi nghĩ một chút khả năng mỹ thuật thì tốt cho tất cả. Để đến lúc ai cũng vẽ được điều gì mình muốn thể hiện với người khác, trong cuộc sống cũng như công việc, thay vì phải đế thêm một câu “Xin lỗi mình vẽ không giống…”

Nếu bạn vẫn chưa tin, tôi xin lấy một ví dụ khác. Đó là việc viết. Viết chữ ấy.

Viết nếu nói về bản chất thì nó chỉ là hành động vẽ lại các kí tự được quy định theo ngôn ngữ do một (vài) người nào đó sáng tạo ra. Ở Tiếng Việt thì tập viết chính là bạn được học vẽ kết hợp một bảng 29 hình vẽ đấy. Cứ vẽ nhại lại hình trong quyển tập viết là bạn viết được đúng không? Rồi sau đó tùy thuộc tính cách, thói quen mà mỗi người một nét chữ khác nhau. Ai cũng có thể đi tập viết chữ đẹp thì tôi tin ai cũng có thể đi tập vẽ đẹp được.

Giả dụ đến đây bạn đã tin rằng mình có thể tập vẽ đẹp được, nhưng lại ngại nếu phải bỏ ra khoảng, 10 năm tập luyện? Nếu bạn phát triển nét vẽ tự nhiên từ một đứa trẻ, có thể mất đến 10 năm thật. Nhưng trưởng thành rồi, cách học cũng rút ngắn hơn. Tin mừng là nhờ sự phổ cập của các tài liệu trên internet cùng sự phổ thông của các lớp học mỹ thuật, bạn có thể chỉ mất 2 năm để có thể vẽ đẹp như tôi! (Mặc dù tôi vẽ cũng không đẹp lắm). Tất nhiên là phải dành thời gian nghiêm túc cho nó, và điều đó cần sự yêu thích nhất định.

Nhưng mà, đừng ngại nhé!

emo-like

  • Hue hue :v Page kiểu này nút like nó nằm ở đâu ?

    • Tại thấy trên blog thì nút like không có nhiều công dụng nên không làm :)) Chắc thêm nút +1 Google thay nút like :))

  • Em cũng muốn vẽ đẹp như bác lắm nhưng mà học như nào và vẽ truyện như bác là từ máy tính hay table ạ

    • Học thì nên học từ cơ bản bạn ạ. Đi học hình họa / mỹ thuật cơ bản từ các trung tâm học vẽ hoặc có thày dạy là nhanh nhất. Còn nếu bạn cảm thụ tốt thì có thể tự học.
      Mình thường vẽ truyện trên máy tính sử dụng tablet, hiện tại mình đang dùng máy Microsoft Surface Pro 2.

  • Toi cha ve nhiu j ma van ve dep vay la sao con ban tui thi luyen mai van chua bang tui

    • Cũng do tốc độ phát triển của mỗi người khác nhau nữa. Bạn nào có bước tiến bộ hơi chậm một chút thì phải tập trung dành nhiều công sức luyện tập hơn thôi XD

  • vẽ hoài vẽ mãi mà chả đẹp

Leave a Reply