Đây là bài giới thiệu qua về công đoạn vẽ truyện tranh kiểu một trang của tôi. Chưa nói đến các yêu cầu cơ bản như trình độ vẽ hay nghĩ ý tưởng, bài viết chỉ tập trung vào cách thể hiện một câu chuyện đã có ra trang hoàn chỉnh.

Bài viết sử dụng một ví dụ do tôi cùng anh Lê Mạnh Cương (a.k.a Kei Gà) vẽ vào năm 2012. Do có nhiều hơn một người thực hiện nên các bước khá đầy đủ để đảm bảo sự thông suốt khi làm việc nhóm. Cảm ơn bản quyền hình ảnh của anh Cương trong những hình minh họa dưới đây.

1. Phác thảo:

Ta bắt đầu ở bước khi đã có ý tưởng nội dung và muốn biến nó thành truyện tranh. Bước phác thảo này phục vụ mục đích chính là thể hiện sơ qua bố cục và kịch bản truyện.

Truyện phác thảo chỉ cần nét vẽ đơn giản. Trong nhiều trường hợp, (một hoặc nhiều) người đảm nhiệm kịch bản có thể vẽ toàn bộ các phần phác thảo và sau đó chuyển cho (một hoặc nhiều) họa sĩ chính. Còn nếu bạn chỉ có một mình thì dĩ nhiên bạn phải làm cả.

Phác thảo có thể vẽ chì lên trang giấy hoặc vẽ nháp trên máy tính đều được.

Ví dụ là một câu chuyện vui kiểu học trò. Một nhóm ngồi trà đá tán phét với nhau rồi sau đó mấy đứa bạn tốt lỉnh đi mất để lại ta một mình. Tôi sử dụng phương pháp ưa thích của mình là truyện 4 khung, chia câu chuyện vừa vào bố cục 4 khung cố định: Mở đầu -> Diễn biến -> Cao trào -> Kết. Sử dụng các hình người khối tròn và đánh dấu để biết được nhân vật nào với nhân vật nào (cái này tự quy định), ta vẽ được phác thảo dưới đây.

Tạm tạm ra câu chuyện rồi đấy. Tới bước 2.

2. Đi nét:

Khi phác thảo đã ổn và không phải sửa về bố trục khung tranh, ta sẽ sang bước tiếp theo là đi nét. Bước này phục vụ mục đích là vẽ chi tiết các đường nét của truyện, bằng cách đắp nhân vật và đồ vật vào trong tranh phác thảo.

Đi nét yêu cầu nét vẽ chỉn chu ở mức cuối cùng. Bước này chính là bước tô mực lên phác thảo chì với bản vẽ giấy. Còn với vẽ máy thì ta sẽ phải vẽ mới dựa trên bản nháp.

Do đã có bộ nhân vật được quy định từ trước khi nên tôi chỉ việc vẽ nhân vật tương ứng vào vị trí (Tuân theo đánh dấu A,B,C đã đánh ở trên đấy). Ngoài việc vẽ nhân vật thì cũng cần chú ý đến việc hoàn chỉnh các đồ vật, khung cảnh. Lưu ý trong phác thảo thì nhân vật chưa có biểu cảm khuôn mặt, cần tự vẽ theo tình huống và thoại.

Khi đã cảm thấy ổn trang truyện rồi thì ta sang bước cuối cùng.

3. Hoàn thiện:

Đến đây bạn sẽ đổ màu và sắc độ cho các khung tranh (Có thể là đen trắng có thể là màu tùy truyện) và thêm khung thoại. Lưu ý, trước bước 3 là lúc tốt nhất để xem lại và sửa truyện lần cuối, vì nếu để hoàn thành xong hết rồi thì sửa lại sẽ rất mất công.

Với truyện này, tôi đi nét và gửi cho họa sĩ Cương hoàn thiện. Anh đã thêm một khung để đẩy cao sự cao trào và sửa biểu cảm nhân vật mạnh hơn để tăng cảm xúc cho truyện. Cuối cùng là đổ màu và điền thoại.

Thành phẩm cuối cùng là đây:


Trên đây là 3 bước theo cách thực hiện truyện một trang của tôi. Quá trình có thể khác đối với truyện nhiều trang.

Nếu bạn có thắc mắc, hãy để lại comment dưới đây hoặc gửi mail tới [email protected]

emo-like

There are currently no comments.

Leave a Reply