Hôm trước gặp được cái cheat card khá hay này trên hamburger-fotospots.de nên nhân tiện lôi về giới thiệu cho mọi người. Đây là công cụ hữu ích trợ giúp cho những người đang học chụp ảnh và không thể nhớ nổi thông số nào là cái gì và ảnh hưởng ra sao ?.
Đây là bản mình đã việt hóa lại. Các bạn có thể tải bản gốc tại đây.
Lưu ý:
- Bảng này dành cho những người đã học qua về các điều khiển máy ảnh thủ công, tức là đã tìm hiểu về các thông số này nhưng chưa nhớ được. Bài viết này không giải thích hết từ đầu vì sẽ rất dài (Hãy để bài khác).
- Bạn có thể in ra để mang theo người và lôi ra mỗi lúc cần tham khảo. Có thể in ra thành card 9x5cm dạng bussiness card để nhét vào ví. Nếu sợ chữ nhỏ thì cứ in ra giấy A5 rồi gấp vào.
- Các thông số được sắp xếp theo thứ tự ánh sáng tăng dần theo chiều ngang. Tức là càng về bên trái thì ảnh càng tối và vàng về bên phải thì ảnh càng sáng.
Giải thích:
Đây là một bảng tra cứu nhanh và học ghi nhớ ảnh hưởng của ba thông số chính lên bức ảnh : Khẩu độ (Apeture), Tốc độ màn trập (Shutter Speed) và độ nhạy sáng ISO. Các máy ảnh có chế độ A,P,S(T),M đều có thể tham khảo bảng này (bao gồm cả máy phim và máy kĩ thuật số).
- Khẩu độ: Độ mở của các lá khẩu trong ống kính (lens). Khẩu nhỏ (trái) thì ảnh tối hơn và nền (ngoài điểm lấy nét) rõ hơn; khẩu lớn (phải) thì ảnh sáng hơn và nền mờ hơn (xóa phông be bét hơn).
- Tốc độ: Khoảng thời gian giữa lúc cửa trập trong máy mở ra và đóng vào khi chụp ảnh. Tốc độ nhanh (trái) thì ảnh tối hơn và ảnh nét hơn; tốc độ chậm (phải) thì ảnh sáng hơn và dễ bị rung hoặc vật thể trong ảnh sẽ bị mờ nếu đang chuyển động.
- ISO: Độ nhạy sáng của phim (với máy phim) hoặc độ nhạy sáng điện tử của cảm biến (với máy kĩ thuật số). ISO thấp (trái) làm ảnh tối hơn và trong hơn; ISO cao (phải) làm ảnh sáng hơn và nhiễu hơn.
Tổng hợp:
- Ngoài việc tra cứu tác dụng của các thông số trên lên ảnh, bạn cũng có thể dùng bảng này để tính toán cách cân bằng ánh sáng cho bức ảnh. Nếu muốn ảnh tối hơn hoặc sáng hơn thì có thể điều chỉnh một (hoặc nhiều) trong các chỉ số trên. Nếu muốn ảnh giữ nguyên độ sáng nhưng thay đổi nội dung ảnh (xóa phông nhiều hơn hoặc ảnh nét hơn) thì phải dịch một chỉ số sang phải và dịch một chỉ số khác sang trái để tổng ánh sáng không đổi…
- Trong các thông số thì ISO là cần ít điều chỉnh nhất, hầu như chỉ cần thay đổi một lần khi thay đổi môi trường chụp (từ ngoài trời vào trong nhà, từ ngày mưa sang ngày nắng,…). Bạn nên đặt ISO cố định khi bắt đầu mỗi buổi chụp và chỉ thay đổi 2 thông số còn lại.
Ngoài ra, cứ comment nếu bạn có điều gì cần hỏi.
Ha Le
viết bài nào dạy điều khiển máy thủ công đi Jokohama.
Jokohama
Hehe cụ thể là máy gì? Điều khiển máy thủ công là chụp Manual ấy hả? :p
Ha Le
T ngu lắm, hok biết máy mình thuộc loại gì nữa cơ. Nếu có dịp, viết luôn bài phân biệt các dòng máy và tên gọi nữa nhá;) đại loại đang có con 600D cùi cùi ở nhà, mà chỉ biết dùng như kts $100.