Trước tiên xin khẳng định, tôi không phải là nghệ sĩ, tôi cũng không làm nghệ thuật. Nhưng ngẫu nhiên có hai câu chuyện cùng liên quan chút chút đến nghệ thuật, tôi xin tường thuật lại dưới đây.
Câu chuyện thứ nhất
Vào hồi tháng tư tôi có đi xem triển lãm Van Gogh và tác phẩm tại VCCA. Tóm gọn thì đây là một triển lãm trưng bày tranh của Van Gogh nhưng dưới dạng trình chiếu trên các màn hình hoặc thông qua máy chiếu điện tử, và quan khách sẽ được xem hình ảnh của tranh, chứ không phải là xem tranh. Trong lời giới thiệu triển lãm thì chú giám đốc của VCCA có viết đại loại rằng:
Trình chiếu lại, tất nhiên không thể so được với việc xem bức tranh gốc, vì hình chiếu không có vân của giấy hay chất liệu của màu hay sắc độ thực tế của bức tranh; tuy nhiên không phải ai trên đời cũng có điều kiện và sự may mắn để chiêm ngưỡng tác phẩm gốc, vì vậy những triển lãm như thế này giúp mọi người có thể được tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật một cách dễ dàng hơn, với góc độ tôn trọng tác phẩm và hoàn toàn không có ý nghĩa thay thế giá trị của hội họa truyền thống.
(lời tôi bịa lại theo trí nhớ)
Tôi bỗng nhớ đến các danh họa tôi đọc trong sách, tiểu sử thường hay có câu ‘sống những năm cuối đời trong nghèo đói và bệnh tật’, những vị danh họa mà chỉ trở thành danh họa sau khi đã mất.
Vậy điều gì làm nên danh họa? Là sự công nhận của giới chuyên môn về tư duy, về phong cách, về kĩ năng; hay là sự công nhận của đại chúng rằng ‘ông này vẽ đẹp thế, tranh này ấn tượng thế’ ?
Tôi tưởng tượng rằng ngày xưa chỉ có giới quý tộc, giới tri thức, các lực lượng tôn giáo mới quan tâm đến nghệ thuật, mới sử dụng đến nghệ thuật; chứ nông dân cày sâu cuốc bẫm hay công nhân còng lưng lao động, được ngắm núi sông là đẹp rồi, nào có biết hội họa là gì. Một bức tranh vẽ ra, không có công cụ truyền tải nào khác, nằm trong xưởng, hay nằm ngoài đường, liệu được bao nhiêu người biết đến? Mãi đến sau này, có sách báo giới thiệu, có tranh ảnh ghi lại, có bảo tàng lưu trữ, có những cuộc đấu giá triệu đô nâng tầm tiếng tăm, thì danh họa mới thực sự được số đông biết đến và công nhận là ‘danh họa’ đấy chứ.
Nghĩ như vậy để thấy là, ừ đúng, những cuộc triển lãm như triển lãm trình chiếu tranh Van Gogh (nhấn mạnh là miễn phí) ở VCCA luôn có tác dụng đưa nghệ thuật đến ‘gần gũi’ với ‘quần chúng nhân dân’ hơn, bằng một cách đại chúng nhẹ nhàng chứ không nặng học thuật. Ít nhất mọi người sẽ được làm quen, và biết đâu sau đó nảy sinh tình cảm và mong muốn tìm hiểu về nghệ thuật một cách kĩ lưỡng hơn chân thực hơn.
Ngoài ra tôi cũng tin là, tuy rằng nghệ thuật có sự bí hiểm và thâm sâu của nó mà giới chuyên môn mới thưởng thức hết được; nhưng sự thành công thì vẫn luôn cần chứng thực bằng sự công nhận của đại chúng.
(Chú thích: Không được đại chúng biết đến và đón nhận không có nghĩa rằng nó không phải nghệ thuật hay là không thành công. Tôi chỉ đang nói đến khái niệm ‘danh họa’, với ‘danh’ có nghĩa là danh tiếng – reputation – fame – popularity …)
Câu chuyện thứ hai
Tôi là một người rất thích làm tạo tác, thích có cảm giác làm ra các tác phẩm (không dám nhận là nghệ thuật). Tôi thích vẽ tranh, thích chụp ảnh, thích xem phim và (ước được) làm phim, thích nghe nhạc và (ước biết) hát, đôi khi trái gió còn thích viết nữa.
Khi trước niềm vui của tôi đơn giản, tôi thích thú vì mình làm ra được tác phẩm. Vẽ được mấy cái nhỏ nhỏ, chụp được mấy thứ xung quanh, thế là thỏa mãn rồi. Nhưng khi cố gắng tìm hiểu mọi thứ nghiêm túc hơn, muốn phát triển hơn, muốn đạt được một ‘thành tựu gì đó’ hơn, thì tôi thấy chẳng còn gì đơn giản nữa cả.
Ví dụ như việc chụp ảnh. Tôi tập chụp ảnh từ 2012, với tinh thần là lưu giữ lấy những kỉ niệm của cuộc đời mình. Và đúng như thế thật, tôi đã chụp rất rất nhiều kỉ niệm. Nhưng gần đây khi tôi bắt đầu nghiêm túc nghiên cứu hơn về nhiếp ảnh, muốn làm một cái gì đó lớn hơn, thì những gì tôi chụp từ trước đến giờ bỗng chốc không còn nhiều giá trị nữa. Không phải là giá trị thẩm mỹ kiểu xấu đẹp nguyên tắc gì cả, mà là giá trị truyền tải. Những bức ảnh của tôi, tôi vẫn thấy đẹp, vẫn cảm xúc, vẫn có thể cười có thể đau quặn lòng được khi xem lại. Nhưng những giá trị đấy chỉ có tôi thấy mà thôi, từ góc nhìn người khác không có kỉ niệm và cảm xúc của tôi, thì đó chỉ là những bức hình hết đỗi bình thường. Nhiều khi ngay chính người trong ảnh cũng không thích những bức ảnh đó. Tôi cũng không thể nào đăng ảnh của một người mà giờ mình không còn gặp lại. Nếu một ngày bản thân tôi (và những người có trong kỉ niệm đó) mà quên đi mất, thì có lẽ bức ảnh đó cũng trở thành ảnh trắng.
Đó là một điều ám ảnh nặng nề.
Tôi vẫn luôn muốn tạo ra những tác phẩm có giá trị truyền tải cao với số đông. Vẽ ra truyện mà nhiều người có thể hiểu được ý nghĩa mình muốn nói, chụp được bức ảnh mà nhiều người có thể thấy rung động, ví dụ thế chẳng hạn. Như đã nói ở câu chuyện thứ nhất thì thành công có một phần là được công nhận bởi đại chúng. Và ở thời đại này thì nó là lượt like, là số share, là lượng follower, là doanh số bán sách, là tài sản kiếm được, là Forbes 30 under 30 chẳng hạn (haha..). Toàn là số nhỉ, ừ Hoàng tử bé đã nói đúng, người thời nay chỉ thích số. Những con số trên mạng xã hội. Dù gì thì mạng xã hội vẫn là một phần của chính xã hội này, của chính ‘đại chúng’ mà. Vì vậy tôi tin rằng để thành công thì mình sẽ phải chinh phục cả những con số đấy nữa, hoặc ít nhất là cố gắng để chinh phục chúng.
Ừ nhưng rồi tôi lại gặp phải một băn khoăn khác nữa.
Nói nôm ra thì, trong việc chụp ảnh nói chung, để dễ đạt được các con số nhất thì người ta hay chụp ảnh gái (Mà các họa sĩ ngày xưa cũng hay vẽ thiếu nữ đấy thôi). Chụp gái xinh thì nhiều like, trên mạng bảo thế. Nói vậy không có nghĩa là không quan trọng trình độ nhiếp ảnh, tất nhiên là vẫn có những người chụp có phong cách và kĩ năng riêng, nhưng nhìn chung tôi thấy nhiều người chụp gái xinh thì nổi tiếng nhanh thật. Thế rồi có một hôm tôi gặp instagram của một ‘ảnh gia’ tương đối có tiếng tăm với ảnh chân dung cũng như ảnh nude, và điều làm bất ngờ nhất cũng như hoang mang nhất ấy là lướt một hồi gặp… nhiều người quen trong ảnh quá.
Thời gian sau đó tôi có vô vàn câu hỏi trong đầu. Nếu như vậy thì làm sao để tách bạch được giá trị của người chụp và của mẫu, hay là không tách được? Nếu vậy thì thành công đó là của người chụp hay của mẫu? Kĩ năng và sự tính toán trong việc chụp liệu có còn quan trọng? Danh tiếng có được sẽ là vì khả năng (uầy anh này chụp đẹp thế) hay là vì sự bảo chứng vô hình từ mẫu (uầy anh này chụp cả chị X chị Y này xịn thế)? Rồi nếu chụp toàn người đẹp như vậy thì có chụp được những người trông bình thường nữa không, hay là sẽ từ chối? Nếu vậy thì có phải là công nhận giá trị của mẫu cao hơn không?
Thế là một thời gian dài tôi cảm thấy sợ hãi và xa lạ với việc chụp. Tôi không dám chụp ảnh mới, tôi không dám chụp người khác nữa. Tôi không tự tin vào khả năng của mình, và cũng chưa biết làm thế nào để không bị lệ thuộc vào người mình chụp (và vẫn mong muốn thành công với những con số).
Quá nhiều âu lo.
Lảm nhảm vậy thôi, lâu lâu bế tắc, có lẽ viết ra được cũng là một cách để tôi giải tỏa cho những lúc tôi không tạo ra được cái gì khác.
Và tranh thủ đăng vài bức ảnh chụp triển lãm từ hồi cuối tháng ba.