Nhìn chung thì tôi là một người có trí nhớ kém, thường những gì mà chỉ nói chuyện thôi thì tôi không tài nào nhớ được. Tuy nhiên nếu những sự kiện được liên kết với nhau thành một chuỗi, và trở thành những kỉ niệm, thì chúng có thể lưu trữ lâu đến mức nhiều khi làm tôi kinh ngạc.
Chúng trở thành những thước phim, tuy không rõ ràng như cảnh thật, nhưng chứa đầy những cảnh trí, nhân vật và cảm xúc đã từng xảy ra. Và hoàn toàn ngẫu nhiên, một vài yếu tố trong khung cảnh đó bỗng trở thành một hình ảnh đại diện cho những thước phim ký ức này. Bởi chỉ cần nhìn thấy chúng xuất hiện lại ở đâu, tôi bỗng nhớ lại toàn bộ những chuyện đó, một cách tuần tự.
Những yếu tố này, tôi gọi là “Nút kích hoạt ký ức”.
Ví dụ bằng một lần câu chuyện nhỏ, khoảng năm 2011. Khi ấy tôi phóng xe nửa thành phố lên một quán cafe nhỏ trên phố Tô Ngọc Vân, để gặp một người bạn. Đó là lần gặp gần như đầu tiên, và là cuối cùng. Cho đến bây giờ, mỗi lần đi ngang qua trục Thanh Niên – Nghi Tàm – Xuân Diệu – Tô Ngọc Vân là tôi lại nhớ đến cuộc gặp đó. Tôi như nhìn thấy cái quán nhỏ đó, như nghe thấy lại cuộc nói chuyện, như cầm lại tờ hóa đơn mà tôi vẫn còn nhớ con số trên ấy. Chỉ là “như” thôi, giống một thước phim được quay qua lớp màn dày, mà tôi vẫn có thể thấy hết, mỗi lần đi ngang qua.
Tiếc thay, những ký ức này, dù vui dù buồn, thì chúng đã đều là quá khứ. Và việc thường xuyên bị kích hoạt lại những chuyện đã cũ như vậy, khiến tôi rơi vào một vòng xoáy của u buồn và nuối tiếc.
Vô số những con đường ở Hà Nội. Áo đồng phục trung học. Yahoo. Chiếc nhẫn khắc tên. Hoa hồng. Trà đào. Những hình xăm. Đà Lạt. Nhiều bộ phim. Vài mẩu thư nhỏ. Bia Desperados. Circle K. Hồ Xã Đàn. Những đêm mưa rả rích của mùa hè và những bài hát của Trang. Hàng ngàn những khoảnh khắc nữa trong cuộc sống làm tôi sững người, bụng thì thắt lại mà đầu thì quay cuồng. Tôi tưởng như có thể gục ngã giữa một màn đen bất tận và bị nhấn chìm bởi lớp lớp những cơn sóng cảm xúc không ngừng chụp xuống.
Rồi một ngày tôi nhận ra rằng, thời gian cứ tiếp tục trôi thì cuộc sống sẽ càng sản sinh ra nhiều những thước phim như vậy. Và rồi đến một lúc nào đó tôi sẽ đứng giữa một ma trận nút bấm, chỉ cử động một chút thôi cũng có thể kích hoạt cả một quả bom khổng lồ. Nếu rốt cục, tôi vẫn không thể từ bỏ được những kỷ niệm.
Và tôi nhớ đến nhân vật Toru Watanabe, nhớ đến tình tiết mỗi khi anh nghe thấy bản nhạc “Rừng Na-Uy” là lại “nghĩ đến những mất mát trong cuộc đời mình: những thời đã qua không bao giờ trở lại, những bạn bè đã chết hoặc biệt vô âm tín, những cảm xúc mãi mãi không còn nữa.”