Lướt thật nhanh qua những dòng thông tin bất tận, cố gắng tìm lấy điều gì đó mình có thể quan tâm, chỉ để nhận lại cảm giác chán nản và mệt mỏi. Như thể vật lộn với vấn đề riêng của mình còn là chưa đủ, tôi nhìn lại, và thấy tất cả những việc này thật vô nghĩa.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tôi cảm thấy vậy. Tôi đã từng muốn bỏ Facebook nhiều lần rồi. Nhưng khi bạn đã từng đặt phần lớn các hoạt động cá nhân cũng như các mối quan hệ xã hội của bạn vào nó, thì việc cắt đứt quả thật rất khó. Hơn nữa tôi còn có một page truyện tranh. Tôi cứ dừng lại, rồi lại thỏa hiệp, mỗi lần đăng ít đi một chút. Giờ thì tôi chẳng buồn viết gì lên Facebook, hay một mạng xã hội nào nữa. Và tôi cũng sẽ cố gắng dần dần bớt đọc (hoặc xem) chúng hơn.
1. Quá nhiều thông tin
Tôi dùng Facebook từ 2009, khi đó ở Việt Nam còn khá ít người dùng, thậm chí còn phải cố gắng đi tìm bạn để add cho có thêm cái để đọc. Ai đăng status gì thấy hết, vì chỉ toàn bạn bè với nhau.
Giờ thì Facebook có page, có group, có quảng cáo. Lượng bài viết quá lớn nhấn chìm cả màn hình mà tôi không thể nào đọc hết, mỗi lần vào lại có thêm, kể cả từ những nguồn mà tôi không quan tâm. Và thế là cứ cuộn mãi xuống, để tìm những thứ “có thể đọc được”.
2. Cơ chế phân phối
Dĩ nhiên với một lượng thông tin như vậy thì Facebook phải có cách để hiển thị nó theo thứ tự trước sau. Các quảng cáo trả tiền sẽ luôn được ưu tiên ở các vị trí và tần suất cố định. Tiếp theo đó là những gì mà thuật toán “đoán” tôi sẽ thích, như là bài viết của người bạn mà tôi hay nhắn tin, hoặc những bài viết từ một page lạ hoắc nhưng có nhiều bạn tôi comment, hay các bài viết trong group mà tôi hay vào.
Những gì còn lại? Quên đi. Chỗ đâu mà lắm thế?
Một người mà tôi đã lâu không nói chuyện, vì khó xử, hay vì xa cách? BÙM, có khi tôi chẳng nhìn thấy bài viết nào từ người đó cả năm trời. Facebook “giúp” tôi quên hẳn họ, theo kiểu “Ơ tao tưởng mày không chơi với nó nữa?“. Có lẽ là lỗi của tôi thật, tôi không chắc nữa. Một page rất thú vị mà tôi đã like từ lâu, vẫn theo dõi nội dung đều nhưng không có nhu cầu comment hay share nhiều về những bài viết đó? CHÍU, Facebook cho tôi xem những page không liên quan nhưng có bài viết nhiều comment, share hơn page kia, vì “Ê tao nghĩ mày sẽ thích cái này cơ“. Vậy đấy.
3. Bài viết chẳng có người xem
Sau khi áp dụng những quy luật kiểu như trên, nếu tôi không hay tương tác với những người khác, cũng như bài viết của tôi chẳng phải loại hấp dẫn nhà nhà share về; thì sẽ chẳng ai thấy bài viết của tôi nữa cả.
Tôi nghĩ vậy cũng đúng thôi, thuận theo quy luật đào thải. Không có ai đọc nữa thì tôi cũng không viết nữa là xong.
Tôi chỉ nghĩ ngợi một chút, về cơ chế danh xưng và phân cấp. Giả dụ Facebook tôi có 400 friends, nhưng trong đó chỉ có 200 người là thấy bài viết của tôi (và ngược lại). Vậy 200 người còn lại là gì? Họ vẫn là friends về mặt tài khoản nhưng lại không thấy gì như người lạ? Không có ai phát rồ lên nếu như không thấy một người bạn chưa đăng gì lên Facebook trong 2 tuần cả, nó chỉ là một công cụ mà thôi.
Hoặc như page truyện của tôi. Tuy rằng có 17000 likes nhưng mỗi bài viết chỉ được phân phối tự nhiên đến 10% số đó, tức là khoảng 1700 người. Cách đây 2 năm con số đó vào khoảng 50%. Giờ muốn nhiều hơn thì phải trả tiền quảng cáo. Có một thời gian tôi cũng chạy quảng cáo thử, nhưng rồi nhận ra nó chỉ là giải pháp tạm thời. Truyện của tôi không đủ hay để khiến người comment hay share thì nó không thể tăng số người tiếp cận tự nhiên được. 4 năm trước khi lập page, tôi chọn Facebook với hy vọng đây là nền tảng để đưa truyện của mình tiếp cận càng nhiều độc giả càng tốt. Giờ thì những tiêu chí đó đã không còn phù hợp nữa, vì vậy tôi cũng tạm nghỉ. Số người theo dõi có ý nghĩa gì nếu như họ không được đọc?
4. Không có khả năng tùy chỉnh
À phải, tôi nghĩ, nếu có khả năng tùy chỉnh những gì mình muốn thấy trên Facebook thì sao. Kiểu, luôn xem bài của những page mình like, chỉ xem bài từ page khác nếu có một số “người bạn được đánh dấu tin cậy” tương tác,.. chẳng hạn.
Nhưng mà mình có đóng tiền cho Facebook đâu? Nó bắt ăn gì thì phải chịu thôi?
Dù gì thì gì, Facebook (và các mạng xã hội khác) vẫn rất tiện lợi nên tôi cũng chẳng bỏ hết được. Nhưng khi nhận thấy nó không còn phù hợp với mục đích của mình nữa thì tôi sẽ tìm cách thay đổi mục đích sử dụng, không còn tập trung làm trang cá nhân nữa, mà chỉ dùng để tham khảo và thu thập tin tức thôi. Còn những thứ linh tinh khác, tôi sẽ tìm chỗ để viết vào, ví dụ như blog này vậy.